Bảo tồn, tiết kiệm năng lượng

Energy conservation

Wednesday, October 26, 2005

Chiến dịch 20%

Lưu thông ở New York. Tổng thống Bush hồi đầu tháng mười cũng đã công bố chính sách kêu gọi toàn dân tiết kiệm năng lượng bằng cách "Đi ít, đi chậm, đi chia sẻ và đi công cộng". Ông buộc phải đánh thẳng vào niềm tự hào của người Mỹ là mỗi người một xe rong ruổi vì giá dầu nay đã quá cao - Ảnh: Reuters

TT - Mở màn “Tuần tiết kiệm năng lượng” (lần 9), Tổ hợp Tiết kiệm năng lượng Anh (gọi tắt là Tổ hợp) đưa ra dự báo eo sèo: trong vòng 15 năm tới, người Anh sẽ phải “khai tử” phong cách sống trưởng giả, thụ hưởng tiện nghi vật chất hiện đại.

Trở về sinh hoạt kiểu nguyên sơ là qui luật tất yếu không thể tránh do tác động gọng kềm: năng lượng đặc biệt dầu thô - khí đốt trở nên khan hiếm trong khi hiệu ứng nhà kính xuất phát từ hàm lượng khí CO2 thải ra không ngừng tăng trong khí quyển làm Trái đất nóng lên.

Tổ hợp đề xuất chiến dịch “Giảm 20% năng lượng gia dụng” và được Công đảng cầm quyền hậu thuẫn. Chính sách này sẽ làm xanh mặt những ai quen đặt lối sống vật chất lên hàng đầu. Các gia đình ở Anh từ nay sẽ được vận động để không sở hữu quá một ôtô.

Ai mua sắm hơn một xe xem như có hành vi chống xã hội. Lại còn ưu tiên đăng ký cho xe phục vụ công cộng, hạn chế cấp biển số mới cho xe tư nhân. Mỗi người một xe lả lướt phố phường chỉ còn là ước mơ khó trở thành hiện thực trong 15 năm tới. Chính sách tiết kiệm năng lượng thò mũi vào sinh hoạt của từng gia đình. Thiết bị gia dụng từ nay cũng phải lột xác. Vì rằng tủ lạnh kết hợp ngăn đông tiêu tốn điện phải bị thay bằng loại chạn giữ thực phẩm tươi mát.

Sở thích tắm vòi sen cũng bị khuyến cáo vì đó là cách đơn giản nhất để lãng phí điện và nước. Nên nhớ tắm bằng nước nóng càng là lãng phí vì nước phải được đun bằng điện. Những sản phẩm công nghệ cao cũng có khả năng bị xem như “con ghẻ”. Màn ảnh truyền hình tinh thể lỏng, bàn chải đánh răng bằng điện... nay cũng bị kết án là “chống xã hội”.

Không những thế, các hộ gia đình từ nay được khuyến cáo thực thi một số biện pháp để tiết chế hao tổn điện; nào là trám trét mọi vết nứt ở tường, nào là tăng cường vật liệu cách nhiệt cho trần nhà. Thói quen để các thiết bị ở chế độ chờ (stand by) cũng bị cấm triệt để. Thậm chí có khuyến cáo rút hết các phích cắm điện khỏi ổ khi không dùng đến thiết bị hoặc khi rời khỏi nhà. Vừa tiết kiệm vừa an toàn cháy nổ.

Chính phủ Anh thậm chí còn hi vọng biến mỗi hộ gia đình thành “trạm” phát năng lượng tự cung tự cấp bằng cách triệt để khai thác các nguồn năng lượng tự nhiên như nắng, gió. Năng lượng khai thác này, nếu không dùng hết, được phép hòa ngược trở lại mạng lưới điện quốc gia và hộ gia đình sẽ được trả tiền “ngược” theo kilowatt/giờ hẳn hoi.

Chính sách phân bổ định mức khí thải CO2 vào khí quyển cũng được áp dụng nghiêm ngặt theo nhân khẩu và diện tích mặt bằng. Hộ nào dùng quá tải sẽ phải thương lượng mua hạn ngạch chưa dùng từ láng giềng (tương tự như các quốc gia đang mua bán hạn ngạch khí thải để đảm bảo tuân thủ Nghị định thư Kyoto). Tổ hợp không xem đó là chuyện đùa khi đề nghị hình thành bộ phận cảnh sát môi trường (green police) để chế tài nghiêm ngặt bất kỳ cá nhân hoặc hộ gia đình nào vi phạm qui định về hạn ngạch khí thải.

Tổ hợp tính toán khi cắt 20% năng lượng tiêu dùng trên định mức hiện tại, mỗi hộ tiết kiệm được 250 bảng/ năm tiền khí đốt và tiền điện. Bản báo cáo của Tổ hợp còn đưa ra dự báo khiến các nhà kinh tế hẳn phải nhăn mặt: hệ thống sưởi trung ương (của các tòa nhà), các máy điều hòa nhiệt độ rồi đây sẽ xếp xó (khi người ta quen trở lại với lối sống không cần các tiện nghi hiện đại đó).

MAI KIM ĐỈNH

Sunday, October 16, 2005

Ý kiến nhà khoa học về vấn đề phụ gia tiết kiệm xăng

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện không chỉ một loại mà nhiều loại phụ gia để pha vào xăng dầu và dầu bôi trơn động cơ đốt trong. Chúng tôi may mắn được tham gia thử nghiệm một số phụ gia kể trên của các công ty trong và ngoài nước cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Để giúp cho người tiêu dùng biết rõ thực hư về tác dụng của các chất phụ gia trên đối với việc tăng giảm nhiên liệu của động cơ, ô nhiễm môi trường về khí độc hại cũng như độ ồn của động cơ.

Đầu tiên là các phụ gia pha vào xăng, dầu Gasoil


Phụ gia này do Công ty NASA trước đây đặt trụ sở tại đường Nguyễn Đình Chiểu Q.3, TP.HCM. Theo giới thiệu của Công ty NASA, phụ gia này có khả năng tiết giảm tiêu hao nhiên liệu cho động cơ xăng, động cơ Diesel. Ngoài việc tiết giảm nhiên liệu, phụ gia này còn có tính năng làm sạch lớp muội than đóng kết trên đỉnh piston và trong xy lanh. Ngoài ra, phụ gia NASA còn có khả năng giảm ô nhiễm do khói thải độc hại từ động cơ thải ra như khí CO, CnHm, NOx


Kết quả thử nghiệm khi pha phụ gia vào nhiên liệu chạy động cơ xăng Jeep CJ-2A và động cơ Diesel American Marc AC-2S-STD cho thấy, suất tiêu hao nhiên liệu ở cả hai động cơ thí nghiệm trên băng thử tĩnh tại ở xưởng thực nghiệm, thuộc Bộ môn Động cơ đốt trong trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, đều có xu hướng giảm. Lượng xăng giảm nhiều nhất mà thí nghiệm đạt được là khoảng 20%.


1. Động cơ phát công suất càng ít, nhiên liệu tiết giảm được càng nhiều và ngược lại. Thậm chí ở cá biệt điểm đo, khi động cơ phát công suất đạt xấp xỉ công suất lớn nhất có thể phát ra của động cơ thì lượng nhiên liệu tiết kiệm được bằng số không, có nghĩa là ở chế độ phát hết công suất của động cơ, phụ gia này không còn tác dụng.


2. Động cơ vận hành ở số vòng quay càng chậm, nhiên liệu tiết kiệm được càng nhiều.


3. Riêng về tính năng làm sạch cáu than trong động cơ và khảo sát khói thải động cơ thì chưa có điều kiện khảo nghiệm thời bấy giờ nên chưa có kết luận.


Qua hai kết luận rút ra được từ các khảo nghiệm liên quan cho thấy, khi động cơ hoạt động ở chế độ tải lớn, phụ gia không còn tác dụng. Điều đó chỉ có thể được lý giải rằng trong phụ gia có ngậm một gốc hữu cơ tan trong xăng và có tác dụng làm xăng dễ bốc hơi (giảm sức căng bề mặt phân tử xăng). Vì vậy, khi động cơ hoạt động với công suất thấp, môi trường nhiệt xung quanh động cơ thấp so với khi động cơ phát hết công suất nên điều kiện để xăng bốc hơi không thuận tiện. Nhưng khi có pha phụ gia, trạng thái vật lý của xăng đối với hiện tượng bốc hơi được cải thiện, nên xăng dễ bốc hơi hơn, dễ cháy trọn vẹn hơn và do đó mức tiêu hao xăng giảm.


Khi động cơ phát công suất lớn, môi trường nhiệt của động cơ cao, xăng “bị” hâm nóng hơn, dễ bốc hơi hơn, cháy trọn vẹn hơn và do đó không cần sự trợ giúp của chất giảm sức căng bề mặt của xăng trong phụ gia nữa. Hoặc nói cho chính xác là trong môi trường nhiệt độ bốc hơi cao, xăng tự bốc hơi tốt, việc xúc tác bốc hơi không còn mang lại tác dụng.

Sau khi khảo nghiệm, chúng tôi có tổ chức báo cáo kết quả với SaigonPetro. Kiến nghị của chúng tôi là khuyến cáo người tiêu dùng nên xài loại phụ gia này. Nó sẽ vô cùng hợp lý trên phương diện tiết kiệm xăng, vì phần đông các xe máy Honda và xe ô tô Taxi mà người dân hiện đang xài trong nội thị và kể cả xe chạy liên tỉnh chỉ dùng một phần công suất mà xe có thể phát ra. Trong tình trạng phát công suất thấp như vậy, dùng phụ gia NASA vừa có thể tiết kiệm nhiên liệu, vừa giảm được lượng khí độc hại do động cơ thải ra. Nhất cử lưỡng tiện! Rất tiếc là những kiến nghị này đã không được xã hội quan tâm khai thác.


Mười hai năm đã trôi qua kể từ ngày kết quả khảo nghiệm được báo cáo!


Cách đây khoảng hai năm, Công ty TNHH Thái Dương ở đường Trần Hưng Đạo, Q.5, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã gặp và giới thiệu với chúng tôi viên năng lượng “Viagra” (!), xuất xứ từ USA, có dạng y hệt viên phụ gia của Công ty NASA. Sau một thời gian viên năng lượng được chào bán tại các trạm xăng, đến nay không còn thấy.

Rõ ràng, các cơ quan liên quan đến quản lý môi trường chưa đủ nhạy bén để quan tâm tới những vấn đề tưởng chỉ liên quan đến lợi ích của cá nhân người tiêu dùng, nhưng thực ra lại rất có liên quan đến toàn cộng đồng và vấn đề quản lý xã hội.


Rất mong vấn đề phụ gia pha vào xăng cần được quan tâm thích đáng để có thể mang lại lợi ích nhiều mặt cho người dân và xã hội trong hiện trạng kỹ thuật sử dụng và khai thác xe máy là công suất động cơ của xe máy chỉ được phép phát một phần do tốc độ xe bị giới hạn. Vấn đề cần kết hợp quan tâm là giá cả của “Viên năng lượng” và lượng xăng tiết kiệm được có giá trị âm hay dương. Với giá xăng, dầu như hiện nay tính cho xăng 92 là 8.800đ/l thì khi động cơ chỉ khai thác một phần công suất, việc sử dụng viên năng lượng sẽ có giá trị dương, tuy không đáng kể (Theo dự tính, dùng 1 lít xăng 92 khi mua viên năng lượng để pha vào tiết kiệm được nhiều hơn 450đ khi động cơ phát 50% công suất. Nếu phát 20% công suất, có thể tiết kiệm nhiều hơn). Tuy nhiên, điều có ý nghĩa hơn cả là việc giảm khói độc hại của động cơ xe máy thải ra sẽ giảm đi do nhiên liệu được cháy trọn vẹn hơn. Từ đó, môi trường không khí ô nhiễm hiện nay có thể được cải thiện. Cũng cần nói thêm là trên quan điểm kỹ thuật khai thác công suất động cơ xe máy ở Việt Nam, hiện nay tồn tại một bất hợp lý là công suất trang bị trên xe máy không tương thích với điều kiện vận hành. Với tốc độ vận hành cho phép do điều kiện hạ tầng cơ sở còn yếu, công suất xe máy lại quá lớn nên trong thực tiễn vận hành chỉ có thể sử dụng một phần, gây lãng phí nhiên liệu và ô nhiễm môi trường rất lớn. Đáng tiếc là xe máy phân khối lớn ngày càng có xu hướng phổ cập hóa trên thị trường. Đó là điều rất bất hợp lý mà chẳng cơ quan quản lý nào để mắt tới!


PGS.TS. NGUYỄN LÊ NINH Hội Ô tô và Thiết bị động lực TP.HCM

Sunday, October 09, 2005

Xăng tăng giá: Giải pháp nào tiết kiệm xăng cho xe gắn máy?

Giá xăng đã “bị” điều chỉnh nhích lên trong một thời gian ngắn và có khả năng còn tiếp tục tăng. Điều này, làm không ít người dùng phương tiện xe gắn máy để đi lại nghĩ ngay đến việc tốn kém thêm hàng ngày cho khoản chi phí xăng.

Nếu biết được những tình huống chạy xe nào gây hao xăng không đáng có, tránh được nó cũng đỡ hao được kha khá tiền. Vậy, đó là những tình huống nào?


1. Không chăm sóc xe, để xe khó nổ

Xe khó nổ là do hệ thống cấp xăng và gió của xe sau một thời gian sử dụng đã bị lệch lạc. Vì vậy, sau một thời gian sử dụng, nếu phát hiện xe bị khó nổ, thì phải tìm cách chỉnh lại xăng - gió cho đúng kỹ thuật. Tất nhiên, không phải ai cũng biết chỉnh nên nhờ người “có nghề thứ thiệt” làm.


Khi xe khó nổ, cứ mỗi lần đạp cần kích hoặc “đề” không nổ là một lần hao xăng. Bởi vì, cứ mỗi hai vòng quay của máy, máy lại hút xăng vào một lần. Và cứ mỗi lần đạp hoặc “đề” mà không nổ thì lượng xăng hút vào mà không cháy sẽ bị máy thải ngay ra ngoài “không tiếc nuối”! Điều đó, đồng nghĩa với việc một khoản tiền nho nhỏ của chủ xe đã bay vèo vào... không khí!


2. Thời điểm nẹt lửa của bugi quá sớm hoặc trễ đều gây hao xăng

Bugi nẹt lửa quá sớm thì pít-tông khi đang trượt lên trong xy lanh sẽ bị lực dộng ngược của hòa khí cháy sớm gây ra và do đó, máy mất một phần công suất; nếu bugi nẹt lửa trễ thì khi pít-tông đã đi xuống, máy mới nổ, không gian cháy của hòa khí đã tăng lên, áp suất cháy giảm, máy mất một phần công suất. Để bù phần công suất tổn thất do thời điểm nẹt lửa không đúng, lại phải bù phần những công suất tổn thất này bằng cách tăng ga, tốn thêm xăng là điều tất nhiên. Và vì vậy lại hao tiền! Muốn bugi nẹt lửa đúng thời điểm lại phải nhờ người “có tay nghề thứ thiệt” chỉnh giúp.


3. Duy trì chế độ xe chạy cầm chừng trong thành phố

Duy trì chế độ xe chạy cầm chừng của xe (còn gọi chạy không tải hoặc chạy ra-lăng-ti) hoặc chỉnh cho xe chạy ra-lăng-ti ở số vòng quay quá cao thì đều gây hao xăng “không đáng có”. Thông thường, ở các xe còn mới, số vòng quay chạy ra-lăng-ti của máy có thể duy trì ở số vòng quay gần tương ứng với số vòng quay mà nhà chế tạo quy định. Máy chạy ở số vòng quay này phát ra tiếng kêu rất nhẹ, nghĩa là máy chỉ chạy ở số vòng quay không cao, mà hơn thế nữa, còn thấp như có thể. Công phát ra của động cơ chỉ cần vừa đủ dùng để cân bằng lực cản chuyển động của các cơ cấu trong động cơ. Riêng đối với xe đã cũ, máy đã mòn, các cơ cấu đã xộc xệch, nên lực cản chuyển động tăng lên. Muốn máy hoạt động ở chế độ chạy ra-lăng-ti, phải tăng xăng cho xe để khắc phục sức cản đã tăng thêm. Do đó, ở các động cơ đã cũ, động cơ chạy ra-lăng-ti sẽ hao xăng hơn so với khi động cơ còn mới.


Khi động cơ chạy ra-lăng-ti đòi hỏi hòa khí phải đậm hơn so với khi động cơ hoạt động có kéo tải.
Do đó, để bớt hao xăng, nên bỏ chế độ chạy ra-lăng-ti đối với xe gắn máy chạy trong thành phố. Chỉ cần chỉnh cho xe dễ đạp nổ hoặc dễ “đề” nổ là được. Đối với các xe gắn máy không sử dụng chế độ chạy ra-lăng-ti, gặp trường hợp phải tạm dừng xe ở ngã tư khi gặp đèn đỏ thì chỉ cần trả số, giữ ga để xe không chết máy là được.


Vì vậy, không sử dụng chế độ chạy ra-lăng-ti cho xe gắn máy cũng là một cách để tránh cái sự “hao xăng không đáng có”, lại vừa góp phần tránh được cho xe gây ô nhiễm môi trường do hòa khí ở chế độ chạy ra-lăng-ti phải đậm hơn ở các chế độ vận hành khác của máy. Vì vậy, xăng cháy không hết, gây ô nhiễm môi trường.


4. Bánh xe mềm làm xe hao xăng

Ngày nay, bánh xe xe gắn máy đều bơm hơi. Khi xe chở người, chở hàng, bánh xe bị biến dạng. Khi diện tích tiếp xúc với mặt đường tăng lên, công suất ma sát giữa phần tiếp xúc của bánh xe và mặt đường sẽ tăng lên, gây hao tổn một phần công suất của máy.

Để bù lại lượng công suất tổn thất này, lại phải tăng tay ga. Và thế là lại phải tốn thêm một lượng xăng “không đáng có”!

Thực nghiệm cho thấy, khi độ căng quy định của bánh xe giảm 20% có thể làm tiêu hao xăng tăng thêm 10%. Bánh xe của xe Honda Dream có áp suất bơm căng quy định cho bánh sau là 2,5 kg/cm­2, nếu áp suất vì lý do gì đó giảm xuống còn có 2 kg/cm2 chẳng hạn thì cùng chạy trên một đoạn đường như nhau, khi bánh xe bơm đủ cân hơi, chủ xe chỉ tốn một lít xăng thì khi bánh xe mềm như nói ở trên, chủ xe phải chi thêm 1.000 đồng! (với giá xăng 10.000đ/lít).


5. Tăng ga và giảm ga đột ngột cũng hao xăng

Khi tăng ga, máy phải khắc phục sức ỳ của xe để tăng tốc, nên máy cần phát ra công suất lớn hơn và phải hao thêm xăng. Khi giảm tốc đột ngột, động năng của xe (do xăng tạo ra) chuyển thành nhiệt năng trên các bố thắng và tản vào không khí một cách... lãng phí. Thế là lại hao xăng! Nên thường xuyên giữ đều tay ga như có thể, cố gắng hết sức tránh tăng và giảm ga đột ngột để tránh hao xăng một cách “không đáng có”.


6. Hạ kim xăng xuống đến vị trí thấp nhất như có thể

Việc hạ kim xăng xuống thấp nhất như có thể đồng nghĩa với việc chủ động giảm cấp xăng cho động cơ. Sức kéo của máy sẽ giảm. Điều đó có nghĩa là chủ xe chấp nhận máy yếu bớt đi, xe chạy chậm lại để đổi lấy việc bớt hao xăng.

Điều này không nhất thiết bắt buộc ai cũng phải làm. Tuy nhiên, đối với các xe gắn máy quá dư công suất thì rất nên làm. Bởi vì, khi động cơ được phát công suất trong phạm vi 60 - 70% công suất cực đại của nó thì động cơ ít hao xăng nhất. Đó là đặc tính cố hữu của máy nổ.


Theo cách tính toán của chuyên môn trong ngành, để chở hai người lớn và lưu hành với tốc độ tối đa cho phép trong thành phố thì công suất cần thiết của xe gắn máy cần không quá 2 mã lực. Điều này có nghĩa, loại xe gắn máy phù hợp yêu cầu có tính ít hao xăng nhất chỉ nên có công suất động cơ không lớn hơn 2,8 đến 3,3 mã lực.

Hiện nay, xe Honda C-50 có công suất cực đại (Pmax) là 4,5 mã lực. Xe Honda Dream có Pmax là 7,2 mã lực; Xe Honda Spacy 125 có Pmax là 11 mã lực và xe Honda @ 150 Pmax là 13 mã lực! Rõ ràng, trừ Honda C-50 có công suất cực đại tạm chấp nhận đối với xe gắn máy chạy trong thành phố, còn tất cả các loại khác đều quá dư công suất. Điều đó cho thấy, các loại xe rất hao xăng, vì không bao giờ chúng có thể phát công suất ở trạng thái 60 - 70% công suất cực đại khi chạy trong thành phố. Đó là điều bất hợp lý trong kỹ thuật khai thác phương tiện với tiêu chí tiết kiệm xăng và bảo vệ môi trường...


Ngoài các loại xe của hãng Honda, hiện nay, các loại xe gắn máy của các hãng khác như Suzuki, Yamaha, SYM v.v... đều có công suất quá lớn, không phù hợp cho tiêu chí ít hao xăng và ít ô nhiễm xét trên khía cạnh khai thác công suất động cơ.

Bởi vậy, đối với những loại xe này, “bóp họng xăng” chúng lại là điều không những có thể mà còn là điều rất nên làm để tiết kiệm xăng và đồng thời giảm ô nhiễm khói thải...


7. Thà ép ga nhưng không ép số

Đây là phương châm chạy xe tiết kiệm xăng của các lái xe “gạo cội”. Phương châm này được hiểu như sau:

Chấp nhận giảm ga trong khi chạy xe, nhưng không chấp nhận cứ để ép số đang gài để cố ép xe chạy khi gặp phải đường dốc hay khi xe gặp mặt đường có lực cản lớn hơn mà không chịu trả số để tăng lực kéo, nhằm khắc phục lực cản vừa xuất hiện.

Vậy nên, khi xe gặp dốc hoặc đi vào đường xấu, hoặc lăn bánh trở lại sau khi dừng xe cần thích đáng giảm ga và trả số một hoặc hai bậc. Thậm chí phải để xe chạy ở số 1.

8. Pha vào xăng phụ gia giúp giảm tiêu hao xăng

Các loại phụ gia này đã từng xuất hiện nhiều lần trên thị trường thành phố. Khi pha phụ gia này vào, có thể giúp xe chạy bớt hao xăng. Theo khảo nghiệm của người viết bài này thì cứ mỗi lít xăng có pha phụ gia vào có thể tiết kiệm được khoảng 400 đồng (Theo thời giá hiện nay). Tuy nhiên, việc pha phụ gia theo tỷ lệ nhiều lít xăng (ví dụ: 20 lít xăng/ 1 viên) như hiện nay rất bất tiện cho người tiêu dùng. Bởi thể tích bình xăng của các loại xe gắn máy hiện không có loại nào có dung tích lớn!

Trên đây là một vài giải pháp tiết kiệm tiền đổ xăng. Hãy chọn và ứng dụng các giải pháp trong tầm tay các bạn, chắc chắn các bạn sẽ bớt được một khoản chi phí hàng ngày “không đáng có” ! O


TS. NGUYỄN LÊ NINH