Bảo tồn, tiết kiệm năng lượng

Energy conservation

Sunday, October 09, 2005

Xăng tăng giá: Giải pháp nào tiết kiệm xăng cho xe gắn máy?

Giá xăng đã “bị” điều chỉnh nhích lên trong một thời gian ngắn và có khả năng còn tiếp tục tăng. Điều này, làm không ít người dùng phương tiện xe gắn máy để đi lại nghĩ ngay đến việc tốn kém thêm hàng ngày cho khoản chi phí xăng.

Nếu biết được những tình huống chạy xe nào gây hao xăng không đáng có, tránh được nó cũng đỡ hao được kha khá tiền. Vậy, đó là những tình huống nào?


1. Không chăm sóc xe, để xe khó nổ

Xe khó nổ là do hệ thống cấp xăng và gió của xe sau một thời gian sử dụng đã bị lệch lạc. Vì vậy, sau một thời gian sử dụng, nếu phát hiện xe bị khó nổ, thì phải tìm cách chỉnh lại xăng - gió cho đúng kỹ thuật. Tất nhiên, không phải ai cũng biết chỉnh nên nhờ người “có nghề thứ thiệt” làm.


Khi xe khó nổ, cứ mỗi lần đạp cần kích hoặc “đề” không nổ là một lần hao xăng. Bởi vì, cứ mỗi hai vòng quay của máy, máy lại hút xăng vào một lần. Và cứ mỗi lần đạp hoặc “đề” mà không nổ thì lượng xăng hút vào mà không cháy sẽ bị máy thải ngay ra ngoài “không tiếc nuối”! Điều đó, đồng nghĩa với việc một khoản tiền nho nhỏ của chủ xe đã bay vèo vào... không khí!


2. Thời điểm nẹt lửa của bugi quá sớm hoặc trễ đều gây hao xăng

Bugi nẹt lửa quá sớm thì pít-tông khi đang trượt lên trong xy lanh sẽ bị lực dộng ngược của hòa khí cháy sớm gây ra và do đó, máy mất một phần công suất; nếu bugi nẹt lửa trễ thì khi pít-tông đã đi xuống, máy mới nổ, không gian cháy của hòa khí đã tăng lên, áp suất cháy giảm, máy mất một phần công suất. Để bù phần công suất tổn thất do thời điểm nẹt lửa không đúng, lại phải bù phần những công suất tổn thất này bằng cách tăng ga, tốn thêm xăng là điều tất nhiên. Và vì vậy lại hao tiền! Muốn bugi nẹt lửa đúng thời điểm lại phải nhờ người “có tay nghề thứ thiệt” chỉnh giúp.


3. Duy trì chế độ xe chạy cầm chừng trong thành phố

Duy trì chế độ xe chạy cầm chừng của xe (còn gọi chạy không tải hoặc chạy ra-lăng-ti) hoặc chỉnh cho xe chạy ra-lăng-ti ở số vòng quay quá cao thì đều gây hao xăng “không đáng có”. Thông thường, ở các xe còn mới, số vòng quay chạy ra-lăng-ti của máy có thể duy trì ở số vòng quay gần tương ứng với số vòng quay mà nhà chế tạo quy định. Máy chạy ở số vòng quay này phát ra tiếng kêu rất nhẹ, nghĩa là máy chỉ chạy ở số vòng quay không cao, mà hơn thế nữa, còn thấp như có thể. Công phát ra của động cơ chỉ cần vừa đủ dùng để cân bằng lực cản chuyển động của các cơ cấu trong động cơ. Riêng đối với xe đã cũ, máy đã mòn, các cơ cấu đã xộc xệch, nên lực cản chuyển động tăng lên. Muốn máy hoạt động ở chế độ chạy ra-lăng-ti, phải tăng xăng cho xe để khắc phục sức cản đã tăng thêm. Do đó, ở các động cơ đã cũ, động cơ chạy ra-lăng-ti sẽ hao xăng hơn so với khi động cơ còn mới.


Khi động cơ chạy ra-lăng-ti đòi hỏi hòa khí phải đậm hơn so với khi động cơ hoạt động có kéo tải.
Do đó, để bớt hao xăng, nên bỏ chế độ chạy ra-lăng-ti đối với xe gắn máy chạy trong thành phố. Chỉ cần chỉnh cho xe dễ đạp nổ hoặc dễ “đề” nổ là được. Đối với các xe gắn máy không sử dụng chế độ chạy ra-lăng-ti, gặp trường hợp phải tạm dừng xe ở ngã tư khi gặp đèn đỏ thì chỉ cần trả số, giữ ga để xe không chết máy là được.


Vì vậy, không sử dụng chế độ chạy ra-lăng-ti cho xe gắn máy cũng là một cách để tránh cái sự “hao xăng không đáng có”, lại vừa góp phần tránh được cho xe gây ô nhiễm môi trường do hòa khí ở chế độ chạy ra-lăng-ti phải đậm hơn ở các chế độ vận hành khác của máy. Vì vậy, xăng cháy không hết, gây ô nhiễm môi trường.


4. Bánh xe mềm làm xe hao xăng

Ngày nay, bánh xe xe gắn máy đều bơm hơi. Khi xe chở người, chở hàng, bánh xe bị biến dạng. Khi diện tích tiếp xúc với mặt đường tăng lên, công suất ma sát giữa phần tiếp xúc của bánh xe và mặt đường sẽ tăng lên, gây hao tổn một phần công suất của máy.

Để bù lại lượng công suất tổn thất này, lại phải tăng tay ga. Và thế là lại phải tốn thêm một lượng xăng “không đáng có”!

Thực nghiệm cho thấy, khi độ căng quy định của bánh xe giảm 20% có thể làm tiêu hao xăng tăng thêm 10%. Bánh xe của xe Honda Dream có áp suất bơm căng quy định cho bánh sau là 2,5 kg/cm­2, nếu áp suất vì lý do gì đó giảm xuống còn có 2 kg/cm2 chẳng hạn thì cùng chạy trên một đoạn đường như nhau, khi bánh xe bơm đủ cân hơi, chủ xe chỉ tốn một lít xăng thì khi bánh xe mềm như nói ở trên, chủ xe phải chi thêm 1.000 đồng! (với giá xăng 10.000đ/lít).


5. Tăng ga và giảm ga đột ngột cũng hao xăng

Khi tăng ga, máy phải khắc phục sức ỳ của xe để tăng tốc, nên máy cần phát ra công suất lớn hơn và phải hao thêm xăng. Khi giảm tốc đột ngột, động năng của xe (do xăng tạo ra) chuyển thành nhiệt năng trên các bố thắng và tản vào không khí một cách... lãng phí. Thế là lại hao xăng! Nên thường xuyên giữ đều tay ga như có thể, cố gắng hết sức tránh tăng và giảm ga đột ngột để tránh hao xăng một cách “không đáng có”.


6. Hạ kim xăng xuống đến vị trí thấp nhất như có thể

Việc hạ kim xăng xuống thấp nhất như có thể đồng nghĩa với việc chủ động giảm cấp xăng cho động cơ. Sức kéo của máy sẽ giảm. Điều đó có nghĩa là chủ xe chấp nhận máy yếu bớt đi, xe chạy chậm lại để đổi lấy việc bớt hao xăng.

Điều này không nhất thiết bắt buộc ai cũng phải làm. Tuy nhiên, đối với các xe gắn máy quá dư công suất thì rất nên làm. Bởi vì, khi động cơ được phát công suất trong phạm vi 60 - 70% công suất cực đại của nó thì động cơ ít hao xăng nhất. Đó là đặc tính cố hữu của máy nổ.


Theo cách tính toán của chuyên môn trong ngành, để chở hai người lớn và lưu hành với tốc độ tối đa cho phép trong thành phố thì công suất cần thiết của xe gắn máy cần không quá 2 mã lực. Điều này có nghĩa, loại xe gắn máy phù hợp yêu cầu có tính ít hao xăng nhất chỉ nên có công suất động cơ không lớn hơn 2,8 đến 3,3 mã lực.

Hiện nay, xe Honda C-50 có công suất cực đại (Pmax) là 4,5 mã lực. Xe Honda Dream có Pmax là 7,2 mã lực; Xe Honda Spacy 125 có Pmax là 11 mã lực và xe Honda @ 150 Pmax là 13 mã lực! Rõ ràng, trừ Honda C-50 có công suất cực đại tạm chấp nhận đối với xe gắn máy chạy trong thành phố, còn tất cả các loại khác đều quá dư công suất. Điều đó cho thấy, các loại xe rất hao xăng, vì không bao giờ chúng có thể phát công suất ở trạng thái 60 - 70% công suất cực đại khi chạy trong thành phố. Đó là điều bất hợp lý trong kỹ thuật khai thác phương tiện với tiêu chí tiết kiệm xăng và bảo vệ môi trường...


Ngoài các loại xe của hãng Honda, hiện nay, các loại xe gắn máy của các hãng khác như Suzuki, Yamaha, SYM v.v... đều có công suất quá lớn, không phù hợp cho tiêu chí ít hao xăng và ít ô nhiễm xét trên khía cạnh khai thác công suất động cơ.

Bởi vậy, đối với những loại xe này, “bóp họng xăng” chúng lại là điều không những có thể mà còn là điều rất nên làm để tiết kiệm xăng và đồng thời giảm ô nhiễm khói thải...


7. Thà ép ga nhưng không ép số

Đây là phương châm chạy xe tiết kiệm xăng của các lái xe “gạo cội”. Phương châm này được hiểu như sau:

Chấp nhận giảm ga trong khi chạy xe, nhưng không chấp nhận cứ để ép số đang gài để cố ép xe chạy khi gặp phải đường dốc hay khi xe gặp mặt đường có lực cản lớn hơn mà không chịu trả số để tăng lực kéo, nhằm khắc phục lực cản vừa xuất hiện.

Vậy nên, khi xe gặp dốc hoặc đi vào đường xấu, hoặc lăn bánh trở lại sau khi dừng xe cần thích đáng giảm ga và trả số một hoặc hai bậc. Thậm chí phải để xe chạy ở số 1.

8. Pha vào xăng phụ gia giúp giảm tiêu hao xăng

Các loại phụ gia này đã từng xuất hiện nhiều lần trên thị trường thành phố. Khi pha phụ gia này vào, có thể giúp xe chạy bớt hao xăng. Theo khảo nghiệm của người viết bài này thì cứ mỗi lít xăng có pha phụ gia vào có thể tiết kiệm được khoảng 400 đồng (Theo thời giá hiện nay). Tuy nhiên, việc pha phụ gia theo tỷ lệ nhiều lít xăng (ví dụ: 20 lít xăng/ 1 viên) như hiện nay rất bất tiện cho người tiêu dùng. Bởi thể tích bình xăng của các loại xe gắn máy hiện không có loại nào có dung tích lớn!

Trên đây là một vài giải pháp tiết kiệm tiền đổ xăng. Hãy chọn và ứng dụng các giải pháp trong tầm tay các bạn, chắc chắn các bạn sẽ bớt được một khoản chi phí hàng ngày “không đáng có” ! O


TS. NGUYỄN LÊ NINH