Bảo tồn, tiết kiệm năng lượng

Energy conservation

Monday, August 22, 2005

Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp



Hiện nay, nhiều ngành công nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ đói năng lượng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do giá dầu mỏ trên thế giới leo thang đến mức kỷ lục. Đầu tháng 4 năm 2005 đã lên mức 58 USD/thùng - Một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử ngành năng lượng. Giá dầu mỏ lên cũng có nghĩa là đồng USD mất giá. Các nước công nghiệp phải nhập khẩu nhiều dầu mỏ đã giảm ngay tốc độ tăng trưởng.

Ở Việt Nam, ngành điện đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn xảy ra khủng hoảng cung cầu trong một số vùng và cục bộ, nhất là ở miền Trung, hạ tầng ngành điện còn yếu. Do hạ tầng yếu, nên vào giờ cao điểm, lưới điện bị quá tải, khó có thể cân bằng phụ tải và cân bằng cung cầu. Vì vậy đã xảy ra hiện tượng tụt áp, tụt hệ số Cos, dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, bởi năng lượng bị lãng phí. Chính sách tiết kiệm năng lượng của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, những người dân và nhiều nhà sản xuất vẫn chưa ý thức đầy đủ việc tiết kiệm năng lượng vì lợi ích chung. Sự bành chướng đô thị, đô thị hoá mạnh ở nông thôn và thu nhập người dân nâng cao đã làm bùng nổ nhu cầu sử dụng tiện nghi dùng điện. Các khu công nghiệp tập trung, các nhà máy mới mở ồ ạt, thiếu sự quy hoạch và kiểm soát về cân đối năng lượng đã đặt nhiều doanh nghiệp vào tình trạng dang dở. Khi bị thiếu điện hoặc chất lượng điện kém, các doanh nghiệp lại phải bỏ tiền ra mua máy phát điện, máy ổn áp, tụ bù... làm cho suất đầu tư tăng cao, chậm thu hồi vốn đầu tư.

Dự báo của ngành khí tượng thuỷ văn năm nay là nóng hạn hơn trung bình nhiều năm. Cả nước sẽ phải trải qua một mùa khô ít mưa chưa tưng thấy, mức nước trên sông Hồng và sông Cửu Long thấp kỷ lục, nhiều đập thuỷ điện thiếu nước, cho nên các ngành công nghiệp phải chủ động trước tình trạng đói điện. Giống như ngành lương thực, khi mất mùa phải điều chỉnh ngay khẩu phần ăn. Giải pháp truyền thống vẫn là phải tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt tiêu dùng. Xin nêu ra các giải pháp cơ bản sảu đây:

1. Kiểm soát chế độ vận hành tiêu thụ năng lượng :

Nhìn vào biểu đồ quá trình sử dụng điện cho sản xuất ta thấy có 3 giai đoạn (T):

T1. Giai đoạn khởi động (không tạo ra sản phẩm)

T2. Giai đoạn vận hành ổn định (tạo ra sản phẩm)

T3. Giai đoạn ngừng (không tạo ra sản phẩm).

Ta thấy T1 và T2 nếu kéo dài sẽ rất lãng phí. Vì vậy, phải áp dụng các giải pháp công nghệ và biện pháp hành chính để giảm thời gian tốn điện cho khởi động và ngừng.

2. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, tiêu tốn ít năng lượng nhưng vẫn tạo ra năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Để áp dụng, phải hạch toán, so sánh, phản biện thật kỹ để tìm ra giải pháp tối ưu.

3. Xây dựng quy trình, quy chuẩn tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ hệ thống tác nghiệp cho thật hợp lý và tiết kiệm.

Từng ca sản xuất hay hàng tuần hàng tháng chia tổng công suất tiêu thụ cho tổng số lượng sản phẩm hoặc làm ngược lại, ta dễ dàng có các chỉ số so sánh để theo dõi. Ví dụ:

- 1 kW sẽ gia công được bao nhiêu chi tiết, hoặc chế tạo ra bao nhiêu chi tiết thì tiêu tốn 1 kW.

4. Tiến hành công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức và hành vi cá nhân tham gia trong quá trình tiêu thụ năng lượng.

Một số doanh nghiệp phải quán triệt tiết kiệm năng lượng từ giám đốc đến người bảo vệ. Ý thức con người có vai trò quyết định trong tiết kiệm năng lượng, hạ giá thành sản phẩm.

5. Lập kế hoạch xác định các công nghệ trong tương lai, hoặc chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm tiêu tốn ít năng lượng.

Đó là đưa các máy thông minh, các máy gia công, chế tạo sử dụng điều khiển kỹ thuật số, các máy điều khiển tuỳ động, điều khiển mềm vào sử dụng cùng hệ thống quản lý chất lượng cao sẽ góp phần giảm tiêu hao điện năng.

Trên đây là một số giải pháp có tính chất phổ quát. Tuỳ theo mỗi ngành công nghiệp, mỗi doanh nghiệp cụ thể phải tự xây dựng chiến lược tiết kiệm năng lượng cho mình để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho hội nhập với thị trường toàn cầu.

(Nguồn: TCCN)